Luật Xây dựng là một trong các luật có vai trò quan trọng trong thi công xây dựng các công trình hiện nay. Cùng tìm hiểu các thay đổi quan trọng trong Luật Xây dựng 2020 sửa đổi bổ sung mới nhất.
Luật Xây dựng là bộ luật luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các chủ đầu tư, đơn vị xây dựng hay các gia đình. Bởi luật quy định các vấn đề quan trọng liên quan tới hoạt động xây dựng trong nước. Trải qua nhiều thời kỳ, luật có các bổ sung và sửa đổi quan trọng phù hợp hơn với tình hình mới. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn tổng quan về các điểm mới trong Luật Xây dựng mới nhất 2020.
Luật Xây dựng là gì?
Luật Xây dựng (tiếng Anh là Construction Law) chính là hệ thống văn bản pháp luật được nhà nước Việt Nam quy định về các hoạt động xây dựng. Đi cùng với đó là quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư xây dựng và có hoạt động xây dựng trên phạm vi đất nước Việt Nam.
Có thể hiểu đơn giản Luật Xây dựng chính là pháp luật về xây dựng. Tất cả các hoạt động xây dựng hay liên quan tới xây dựng, đầu tư các dự án xây dựng tại Việt Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Luật do cơ quan lập pháp của Việt Nam (Quốc hội) ban hành và được triển khai bởi các cơ quan, đơn vị quản lý xây dựng và thực thi pháp luật tại Việt Nam áp dụng cho các nhà thầu, chủ đầu tư, người lao động,….
Đâu là Luật Xây dựng mới nhất ở Việt Nam?
Luật Xây dựng mới nhất ở Việt Nam chính là Luật Xây dựng 2020. Đây chính là Luật Xây dựng (sửa đổi) từ Luật Xây dựng năm 2014. Bộ luật này được Quốc hội tiến hành biểu quyết và thông qua vào ngày 17/06/2020 với tỷ lệ 92.96% các Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Quốc hội thông qua dự luật này, Luật Xây dựng 2020 mới nhất chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Quá trình Luật Xây dựng qua các thời kỳ tại Việt Nam
Để có Luật Xây dựng mới nhất được ban hành năm 2020 và có hiệu lực bắt đầu từ năm 2021 là quá trình góp ý sửa đổi dự thảo Luật xây dựng 2014. Đi cùng với đó là quá trình phát triển lâu dài của hệ thống pháp luật về xây dựng tại Việt Nam. Dưới đây là các mốc thời gian chính của Luật Xây dựng qua các thời kỳ ở nước ta.
– Văn bản pháp luật xây dựng đầu tiên được ban hành vào năm 1960, 1970 sau đó được sử dụng cho tới tận trước năm 2003 với nhiều Thông tư, Nghị Định, Chỉ thị được Ban hành (tạm gọi là Luật Xây dựng trước năm 2003).
– Năm 2003, Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 được Quốc hội thông qua và ban hành được gọi là Luật Xây dựng 2003. Đây là văn bản đầu tiên trong luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng tại Việt Nam.
Đi cùng với đó, các văn bản luật liên quan tới Luật 2003 như Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009, Luật Nhà ở năm 2005, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006 được ban hành giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật chung về xây dựng. Kèm theo đó là các Nghị định, Thông tư và Văn bản pháp luật liên quan tới thực hiện Luật Xây dựng 2003 được ban hành. Luật Xây dựng này được sử dụng cho tới trước năm 2014.
– Năm 2014, Quốc hội họp thống nhất và ban hành Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 gọi chung là Luật Xây dựng 2014. Luật này được ban hành vào ngày 18/06/2014 với các Nghị định, Thông tư liên quan.
– Trong quá trình áp dụng Luật Xây dựng năm 2014 có nhiều bất cập, Quốc hội ban hành Luật Xây dựng sửa đổi bổ sung một số điều vào các năm 2016, 2018 và 2019 với các Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 40/2019/QH14.
– Năm 2020, Luật Xây dựng mới nhất được Quốc hội họp thông qua vào ngày 17/06/2020 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Luật số 62/2020/QH14 tạm gọi là Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 nên nhiều người còn gọi nó là Luật Xây dựng 2021 mới.
Các điểm mới trong Luật Xây dựng 2020 mới nhất
Luật Xây dựng 2020 có nhiều nội dung mới mục đích chính là khắc phục các hạn chế của tồn đọng của các bộ luật Xây dựng trước đây. Đi cùng với đó là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động xây dựng ở nước ta. Đồng thời rà soát lại các quy định của luật liên quan để tránh tình trạng chồng chéo nhau.
Dưới đây là 10 điểm mới nhất bạn cần biết về Luật Xây dựng mới nhất chính thức có hiệu lực từ năm 2021.
Bỏ khái niệm nhà ở riêng lẻ
Khái niệm “nhà ở riêng lẻ” được quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 được bỏ đi. Thay thế vào đó là Điểm e Khoản 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 không còn khái niệm này.
Thời gian cấp phép giấy phép rút ngắn 10 ngày
Thời gian cấp phép xây dựng được giảm xuống từ 30 ngày trong Luật năm 2014 xuống còn 20 ngày theo Luật Xây dựng mới năm 2020 kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với các công trình xây dựng bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép di dời và giấy phép xây dựng điều chỉnh. Như vậy, rút ngắn 10 ngày so với quy định Luật Xây dựng năm 2014
Bỏ quy định đủ vốn khi khởi công xây dựng
Theo khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng mới nhất năm 2020 thì các chủ đầu tư khi khởi công xây dựng công trình không phải đáp ứng điều kiện về đủ vốn theo tiến độ công trình. Thay vào đó chỉ cần gửi thông báo về ngày khởi công tới cơ quan chức năng ít nhất trước 03 ngày làm việc.
Bổ sung thêm giấy phép xây dựng mới
Ngoài các giấy phép quy định tại Luật 2014, các chủ đầu tư cần bổ sung thêm Giấy phép xây dựng có thời hạn. Cụ thể Giấy phép xây dựng gồm có Giấy phép xây dựng mới, Giấy phép di dời công trình, Giấy phép sửa chữa, cải tạo và Giấy phép xây dựng có thời hạn.
Bổ sung thêm điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
Luật Xây dựng mới quy định thêm điều kiện cấp phép xây dựng có thời gian phải phù hợp với mục đích sử dụng đất được xác định tại giấy tờ hợp pháp về đất đai của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
Sửa đổi, bổ sung các trường hợp miễn giấy phép xây dựng
Trong Luật mới 2020 có tới 10 loại công trình không phải xin giấy phép xây dựng. Bổ sung thêm một số trường hợp như nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng,…
Một số dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
Tại Khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng 2020 quy định các dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường trước khi triển khai bao gồm Dự án PPP đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công và dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư.
UBND cấp tỉnh được quyền cấp phép cho các công trình cấp đặc biệt
Theo điểm c Khoản 36 Điều 1 của Luật Xây dựng mới nhất thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép xây dựng thay cho Bộ Xây dựng trước đây đối với các công trình cấp đặc biệt như các công trình có giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh (trừ nhà cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ).
Ngoài ra, UBND tỉnh còn được ủy quyền cấp phép xây dựng cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế hay UBND cấp huyện.
Bổ sung, sửa đổi quy định về phá dỡ công trình xây dựng
Luật Xây dựng bổ sung năm 2020 quy định cụ thể về trình tự phá dỡ công trình so với Luật năm 2014. Cụ thể quy trình phá vỡ công trình bao gồm các bước như sau.
– Lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng. Trường hợp công trình thuộc diện phải có quyết định phá dỡ, cưỡng chế phá dỡ thì phải có quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng.
– Thẩm tra, phê duyệt thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng.
– Tổ chức thi công phá dỡ công trình xây dựng.
– Tổ chức giám sát, nghiệm thu công tác phá dỡ công trình xây dựng.
Quy định về cơ quan chuyên môn xây dựng
Luật Xây dựng mới không nêu cụ thể cơ quan quản lý xây dựng như Luật Xây dựng 2014 mà chỉ quy định cơ quan chuyên môn xây dựng là cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời bổ sung thêm Ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế là cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Trên đây là giới thiệu chi tiết về Luật Xây dựng và các thay đổi quan trọng trong Luật Xây dựng 2020 mới nhất có hiệu lực thi hành từ năm 2021. Có thể nói các quy định mới giúp cho việc quản lý xây dựng công trình hay cấp phép xây dựng trở nên thuận tiện và đơn giản hơn.